Phong cách làm phim Kurosawa_Akira

Nội dung

Rất nhiều phim của Kurosawa được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học nổi tiếng, đặc biệt là từ các tác phẩm của William Shakespeare: Ran dựa theo Vua Lear, Throne of Blood dựa theo Macbeth còn The Bad Sleep Well dựa theo Hamlet. Kurosawa còn đạo diễn những phim chuyển thể trực tiếp từ các tác phẩm văn học Nga, trong đó có phim Thằng ngốc (1951) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dostoevsky, bộ phim Dưới đáy (1957) chuyển thể từ vở kịch của Maxim Gorky, bộ phim Ikiru dựa theo tác phẩm của Lev Nikolayevich Tolstoy Cái chết của Ivan Ilyich.

Mặc dù phải nhận nhiều chỉ trích cho rằng tác phẩm của Kurosawa quá "Tây", những bộ phim của Akira vẫn cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nhật như Kabuki, kịch Noh.

Khi Kurosawa gặp đạo diễn huyền thoại John Ford, người được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất tới các sáng tác của Akira, Ford chỉ nói đơn giản: "Anh thực sự thích mưa đấy nhỉ.", Kurosawa trả lời "Ông rất quan tâm tới các bộ phim của tôi đấy."[157]

Kỹ thuật

Kurosawa có kỹ thuật quay phim rất khác biệt. Ông ưa thích sử dụng máy quay từ xa để làm các cảnh quay trở nên phẳng, Akira cũng tin rằng việc để máy quay xa sẽ giúp các diễn viên diễn xuất tốt hơn. Kurosawa còn thích dùng nhiều máy quay cho cùng một cảnh phim, giúp ông có thể quay một hành động từ nhiều góc quay khác nhau. Một đặc điểm nữa trong phim của Kurosawa là việc sử dụng các yếu tố thời tiết để nhấn mạnh tâm trạng nhân vật, ví dụ như mưa nặng hạt trong cảnh đầu phim Rashomon và trận chiến cuối cùng trong Seven Samurai, cái nóng dữ dội trong Stray Dog, gió lạnh trong Yojimbo, tuyết trong Ikiru và sương mù trong Throne of Blood.

Kurosawa đang chỉ đạo diễn xuất trong Ran

Kurosawa có biệt danh "Tenno", có nghĩa là "Hoàng đế", biệt danh này đã miêu tả phong cách đạo diễn độc tài của ông. Là người cầu toàn, ông dành rất nhiều thời gian và nỗ lực cho việc đạt được hiệu quả hình ảnh mong muốn. Trong Rashomon, Akira thậm chí còn dùng mực Tàu nhuộm nước mưa để tạo hiệu quả mưa nặng hạt, cảnh phim này cũng tiêu tốn tất cả lượng nước dự trữ xung quanh. Còn trong phim Throne of Blood, ở cảnh kết phim khi nhân vật do Mifune đóng bị trúng tên, Kurosawa đã dùng những mũi tên thật được những xạ thủ chuyên nghiệp bắn ở tầm gần và chỉ cách người của Mifune có vài phân. Còn trong phim Ran, cả một toàn lâu đài đã được xây dựng ở sườn núi Phú Sĩ chỉ để sau đó bị đốt cháy trong cảnh cao trào của phim.

Tính cầu toàn của Kurosawa còn được thể hiện qua cách ông xử lý phục trang cho nhân vật: ông cảm thấy rằng một bộ phục trang mới sẽ làm nhân vật của mình trông không thật, vì vậy Akira thường giao trang phục cho diễn viên vài tuần trước khi quay và yêu cầu những người này mặc hàng ngày để làm những bộ trang phục này trông vừa vặn hơn với họ. Trong vài trường hợp, ví dụ trong bộ phim Seven Samurai khi phần lớn nhân vật là những nông dân nghèo, các diễn viên đã được yêu cầu mặc làm sao cho phục trang của họ trở nên rách rưới vào thời điểm khởi quay.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kurosawa_Akira //nla.gov.au/anbd.aut-an35285838 http://www.allmovie.com/movie/ran-v40236/awards http://lewissaul.blogspot.com/2008/02/85-akira-kur... http://brightlightsfilm.com/three-early-kurosawas-... http://www-tcgi.cnn.com/ASIANOW/asiaweek/features/... http://www.imdb.com/name/nm0000041 http://www.imdb.com/name/nm0000041/ http://www.openculture.com/2015/01/akira-kurosawas... http://www.seattlepi.com/ae/movies/article/Sea-is-... http://rogerebert.suntimes.com/apps/pbcs.dll/artic...